Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Buổi họp báo
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW là vấn đề hết sức hệ trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong khu vực công mà còn tác động đến những người đang hưởng các chính sách gắn với mức lương cơ sở.
Vì vậy, cần phải nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện để đảm bảo lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã tổ chức 21 cuộc họp thảo luận kỹ lưỡng về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Trong đó, xác định rõ các căn cứ chính trị, pháp lý, các quan điểm, nguyên tắc và xác định các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW; đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo các nguyên tắc của Nghị quyết số 28-NQ/TW và quy định của pháp luật hiện hành để bảo đảm sự đồng bộ.
Từ đó, phải bảo đảm tương quan cân đối, hài hòa công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội cho Nhân dân trong quá trình phát triển.
Bộ trưởng nhấn mạnh, những nội dung trong các Nghị quyết của Trung ương đã rõ, đủ điều kiện thực hiện thì triển khai ngay; những vấn đề còn khó khăn, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhằm tạo được đồng thuận xã hội, tránh xáo trộn lớn, phức tạp tình hình.
Đồng thời, cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chính sách phụ cấp, trợ cấp, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 19/6/2024, Chính phủ báo cáo Quốc hội một số giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo “lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, chắc chắn; bảo đảm khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước”.
Đối với khu vực doanh nghiệp, Chính phủ đề xuất thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm 2 nội dung: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (theo tháng và theo giờ) theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024); Quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025 để phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp).
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công): Chính phủ đề xuất thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Đây là những nội dung đã rõ, đủ điều kiện thực hiện như việc hoàn thiện chế độ nâng lương cho phù hợp với việc chuyển đổi quản lý và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm.
Bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 1/7 (quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản); hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; quy định rõ nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương. Việc quy định chế độ tiền thưởng gắn với đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của người hưởng lương sẽ tạo được động lực làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, gồm: Từ nguồn tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang; Từ nguồn ngân sách Trung ương; Từ một phần nguồn thu sự nghiệp; Từ 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên; Từ nguồn do thực hiện tinh giản biên chế.
Hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập: Quy định và hướng dẫn rõ 04 nội dung, gồm: Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức để trả lương, thưởng theo vị trí việc làm và kết quả thực thi nhiệm vụ; Thẩm quyền của người đứng đầu được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và được quyết định mức chi trả thu nhập gắn với nhiệm vụ được giao; Việc áp dụng thí điểm tiền lương tăng thêm đối với một số địa phương (Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đối với một số địa phương); Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập phù hợp với nguồn kinh phí NSNN cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Còn 2 nội dung chưa thực hiện từng bước theo lộ trình gồm: Các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương) và cơ cấu lại, sắp xếp 9 chế độ phụ cấp mới.
Đây là những nội dung có phát sinh nhiều bất cập, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dần, thận trọng, không nóng vội. Những vấn đề này phải rà soát trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, điều chỉnh một số vấn đề liên quan về nguyên tắc xây dựng từng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ của công chức, viên chức và các bảng lương của lực lượng vũ trang để bảo đảm tương quan cân đối, hợp lý, công bằng giữa các đối tượng (không để tình trạng khi ban hành bảng lương mới thì có những đối tượng được tăng cao trên 30%, nhiều đối đối tượng được tăng ít và nhiều đối tượng sẽ không được tăng, thậm chí còn giảm đi so với lương hiện hưởng) hoặc nghiên cứu, bãi bỏ các quy định liên quan đến mức lương cơ sở trong các văn bản của Đảng, nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước cho phù hợp; đồng thời tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm trong từng cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị…
Do đó, Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương để Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024.
Từ ngày 1/7, đồng bộ thực hiện tăng 30% mức lương cơ sở sở (từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng) cho tất cả các đối tượng hưởng lương và đối tượng hưởng các chính sách gắn với lương cơ sở từ ngân sách nhà nước.
Mặc dù chưa thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và chức danh, chức vụ lãnh đạo nhưng đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 27 tăng lương cho cán bộ, công chức (đến năm 2025 lương thấp nhất trong khu vực công cao hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiêp); nội dung điều chỉnh mức lương cơ sở của khu vực công (khi chưa thực hiện bảng lương mới) cũng là nội dung của cải cách tiền lương nêu tại Nghị quyết 27, mức tăng này cũng tương ứng với mức tăng khi thực hiện cải cách tiền lương.
Theo tính toán của Bộ Tài chính khi thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27 thì mức tăng tổng quỹ lương (không bao gồm tiền thưởng) của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6%.
Ngoài ra, trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành. Đồng thời giao nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành (đặc biệt là phụ cấp theo nghề) mà trong quá trình thực hiện vừa qua có phát sinh bất hợp lý.
Toàn cảnh buổi họp báo
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thông tin, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá một số nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW (nhất là việc xây dựng các bảng lương và chế độ phụ cấp mới) bảo đảm tính khả thi, công bằng, hợp lý, tổng thể phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước và sẽ tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương khi đủ điều kiện, được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp tham mưu tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về các chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở; phối hợp trình cấp có thẩm quyền danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị và tập trung cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
“Có thể nói, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền thống nhất thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi để mọi đối tượng được hưởng lương từ ngân sách nhà nước đều được tăng lương một cách công bằng, bình đẳng, hài hòa, ổn định, là một quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, được cả hệ thống chính trị và cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng liên quan đồng tình, đồng thuận”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ.
Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là Chính phủ và cả hệ thống chính trị phải triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô nhằm thiết thực góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững.
Nguồn: Anh Cao (Bộ Nội vụ)