Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ VIII
Thứ Sáu, 26/10/2018 09:28 GMT+7
Sáng ngày 20/10/2018, tại tỉnh Cà Mau, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ VIII với chủ đề “Phật giáo Nam tông Khmer hội nhập và phát triển”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng và đại diện Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ đã đến dự.
Phát huy tinh thần phụng đạo, yêu nước và vai trò thành viên khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện phương châm hoạt động của phật giáo “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, thời gian qua, chư tăng và đồng bào phật tử Nam tông Khmer đã tích cực tham gia góp ý vào các vấn đề sinh hoạt, tín ngưỡng tôn giáo; các phong trào ích nước lợi nhà, phúc lợi xã hội; các phong trào yêu nước do các cấp, các ngành, đoàn thể tại địa phương…
Đại biểu tham dự hội nghị
Tại hội nghị, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố tham gia thảo luận chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn trong hoạt động Phật giáo Nam tông Khmer tại các địa phương.
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, có khoảng 40.000 phật tử theo Phật giáo Nam tông Khmer. Toàn tỉnh xây dựng được10 lò hỏa táng, 10 salatene; tổ chức hàng trăm điểm dạy và học chữ Khmer; duy trì và giữ gìn các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khme. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chức năng luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong đồng bào dân tộc Khmer. Vì thế, đời sống đồng bào dân tộc Khmer tại các địa phương trong tỉnh ngày càng được cải thiện và phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh: hội nghị lần này là dịp để Giáo hội lắng nghe và ghi nhận những đề xuất của đại biểu để tiếp tục nghiên cứu công tác hỗ trợ các hoạt động Phật giáo Nam tông Khmer trên các lĩnh vực như: giáo dục, văn hóa, tổ chức quản lý sinh hoạt của chư tăng, tự viện phật giáo Nam tông Khmer vừa đi vào thực chất vùa đúng quy định của pháp luật về Luật Tín ngưỡng Tôn gáo và các quy định của Chính phủ và của Giáo hội; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer trong tinh thần hội nhập và phát triển toàn diện và thực hiện đúng theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.