Từ năm 2015, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước triển khai thực hiện mô hình “2 dao – 2 thớt” do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động. Đến nay, mô hình đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực và được đông đảo hội viên, chị em phụ nữ tham gia thực hiện. Qua đó, góp phần giúp chị em phụ nữ và các thành viên trong gia đình hội viên biết cách giữ vệ sinh trong quá trình chế biến thức ăn, tránh ngộ độc thực phẩm.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hòa Mỹ Trần Liễu Anh, cho biết: “Từ lâu, chị em phụ nữ và thành viên trong gia đình chị em phụ nữ ở xã Hòa Mỹ cũng như nhiều nơi khác trong tỉnh quen với việc sử dụng chung 1 dao, 1 thớt trong nấu ăn, chế biến thực phẩm. Nhiều người sau khi dùng dao, thớt làm cá, xắt thịt tươi thì ngay sau đó lại dùng những dụng cụ này để xắt thịt chín hoặc rau, ngò… Việc làm đã tiềm ẩn một nguy cơ lây lan bệnh dịch từ động vật sang người như giun sán, cúm gia giầm, đường ruột, dịch tả… mà nhiều người không biết.
Mô hình “2 dao – 2 thớt” góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm
Đã có lúc, trên địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng dịch bệnh. Trẻ em dễ mắc bệnh giun sán, tiêu chảy và thiếu cân, thấp còi, suy dinh dưỡng. Nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn xã cũng chưa thấy được tác hại của việc dùng chung dao, thớt trong chế biến thức ăn. Do đó, sau khi được cấp trên phát động, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hòa Mỹ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em hội viên, phụ nữ tích cực tham gia thực hiện. Đền nay, mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nhiều chị em phụ nữ đã nâng cao ý thức trong việc dùng riêng dao, thớt trong chế biến thức ăn. Qua đó, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình”.
Là 1 trong những người đầu tiên tham gia mô hình, bà Đặng Thị Giữ, ngụ ấp Kinh Tư, xã Hòa Mỹ cho biết: “Lúc trước, do không biết nên tôi thường xuyên sử dụng thớt, dao xắt thịt sống và chín chung với nhau. Khi tham gia mô hình và được hướng dẫn cách sử dụng dao, thớt riêng thấy an tâm khi chế biến các món ăn cho gia đình sử dụng”.
Từ khi được phát động, đến nay hầu hết chị em phụ nữ trong xã Hòa Mỹ đã sử dụng riêng biệt dao, thớt cho thịt sống và chín. Đối với thịt sống, các chị sử dụng dao bằng sắt, thịt chín thì sử dụng dao inox để xắt. Nếu thớt, dao xắt thịt không sử dụng được thì chuyển sang dùng để làm cá. Mỗi gia đình đều có từ 5 đến 7 thớt và dao để thay thế, tránh lây lan vi khuẩn khi chế biến thức ăn.
Chị Nguyễn Thị Tú tham gia mô hình được 3 năm cho biết: “Từ khi trở thành hội viên phụ nữ, tôi được hướng dẫn cách sử dụng dao, thớt đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Tôi thấy mô hình này rất bổ ích nên không chỉ riêng tôi mà tất cả thành viên gia đình đều tham gia thực hiện”.
Dao, thớt sau khi sử dụng được rửa sạch và đặt vào đúng vị trí.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hòa Mỹ Trẩn Liễu Anh cho biết: “Lúc mới thành lập chỉ có vài chục hội viên tham gia. Sau thời gian thấy hiệu quả, Hội đã nhân rộng tại 7/7 chi hội, với trên 800 hội viên tích cực tham gia và duy trì mô hình hơn 4 năm qua. Thời gian tới, ngoài thực hiện mô hình “2 dao – 2 thớt” chúng tôi sẽ mở các lớp tập huấn kiến thức trồng rau màu để các chị tận dụng đất trống để trồng các loại rau màu an toàn cho gia đình sử dụng. Ngoài ra còn hướng dẫn hội viên cách nhận biết thực phẩm an toàn và cách bảo quản thực phẩm trước và sau khi chế biến, tránh những trường hợp ngộ độc xảy ra trên địa bàn xã”.