Thông báo tuyển ứng viên tham gia Đề án Đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Cà Mau ở nước ngoài năm 2021
I. ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN
1. Đối tượng
a) Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Cà Mau (trừ các cơ quan ngành dọc, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh).
b) Sinh viên có hộ khẩu thường trú trong tỉnh Cà Mau.
2. Điều kiện
- Cán bộ, công chức, viên chức có thời gian công tác ít nhất là 02 năm, trong đó có ít nhất 02 năm liền kề trước khi tham gia dự tuyển (theo Đề án) được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ: Không quá 30 tuổi, tốt nghiệp đại học chính quy tập trung; Tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ: Không quá 35 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ chính quy tập trung và được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức giới thiệu tham gia Đề án.
- Sinh viên tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ: Không quá 28 tuổi, tốt nghiệp đại học chính quy tập trung được xếp loại khá trở lên; Tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ: Không quá 30 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ tại các trường đại học trong nước hoặc tốt nghiệp thạc sĩ ở nước ngoài (cơ sở đào tạo tham gia Đề án do Ban Chỉ đạo- Ban Điều hành Đề án chọn).
Ngoài điều kiện chung nêu trên, ứng viên phải đảm bảo các điều kiện:
+ Có lý lịch rõ ràng, cam kết làm việc lâu dài tại tỉnh.
+ Có phẩm chất đạo đức và ý thức tổ chức, kỷ luật tốt; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
+ Có sức khỏe tốt.
+ Có trình độ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định của cơ sở đào tạo nước ngoài.
+ Chỉ được phép tham gia một ngành đào tạo tại một cơ sở đào tạo nước ngoài do tỉnh chọn.
+ Phải chọn trình độ đào tạo cao hơn và chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành đã được đào tạo.
+ Có cam kết phục vụ gấp 03 lần thời gian đào tạo và tổng thời gian phục vụ sau khi hoàn thành khóa học tối thiểu là 5 năm đối với ứng viên được đào tạo thạc sĩ và tối thiểu là 10 năm đối với ứng viên được đào tạo tiến sĩ.
II. SỐ LƯỢNG CẦN TUYỂN VÀ CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO
1. Số lượng cần tuyển
- Đào tạo chương trình thạc sĩ: 12 chỉ tiêu.
- Đào tạo chương trình tiến sĩ: 05 chỉ tiêu.
2. Ngành nghề đào tạo
+ Công nghệ thông tin (Viễn thông và Tin học).
+ Công nghệ Sinh học (Công nghệ Sinh học Nông nghiệp; Công nghệ sinh học thực vật; Công nghệ sinh học động vật; Công nghệ sinh học môi trường; Công nghệ sinh học thực phẩm).
+ Công nghệ chế biến (Công nghệ tiên tiến chế biến các sản phẩm mới, Công nghệ bảo quản sau thu hoạch; Dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm).
+ Công nghệ xây dựng (Kỹ thuật xây dựng Công trình giao thông - Xây dựng Cầu, Hầm; Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông - Xây dựng đường ô tô và đường thành phố; Quản lý xây dựng - Kinh tế Xây dựng; Kỹ thuật xây dựng Công trình ngầm; Kỹ thuật xây dựng Công trình thuỷ; Kỹ thuật Công trình biển).
+ Kiến trúc, quy hoạch (Quy hoạch vùng và đô thị; Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị; cảnh quan; thiết kế công trình…).
+ Kinh tế tổng hợp (tài chính, tài chính công, tài chính - ngân hàng, công cụ và thị trường tài chính; Quản lý kinh tế).
+ Công nghệ Hoá (Hoá dược; Hoá sinh; Hoá thực phẩm).
+ Kinh tế đối ngoại (Kinh doanh quốc tế).
+ Luật Quốc tế
+ Y tế.
+ Nông - Lâm - Ngư nghiệp (nuôi trồng, giống, thức ăn, khai thác, chế biến, bảo quản, bệnh học thủy sản, lai tạo giống...).
III. QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA ỨNG VIÊN
1. Quyền lợi của ứng viên
- Khi được cơ sở đào tạo nước ngoài tiếp nhận, được UBND tỉnh cấp 100% học phí và các chi phí bắt buộc khác theo thông báo của cơ sở đào tạo.
- Được cấp sinh hoạt phí hàng tháng theo quy định hiện hành.
- Được hỗ trợ 100% các khoản chi phí: Chi phí làm thủ tục xuất nhập cảnh gồm: lệ phí làm thị thực, lệ phí khám sức khỏe (nếu có), lệ phí gia hạn thị thực (nếu có), chi phí vé máy bay hạng phổ thông một lượt đi và về để làm thị thực và gia hạn (nếu có); tiền vé máy bay hoặc tiền tàu, xe đi từ Việt Nam đến nơi học tập và ngược lại (một lượt đi và về cho cả khóa học); bảo hiểm y tế tối thiểu bắt buộc trong thời gian đào tạo ở nước ngoài.
- Được hỗ trợ một phần rủi ro, bất khả kháng đối với lưu học sinh; phí chuyển và nhận tiền qua ngân hàng (nếu có).
- Sau khi hoàn thành chương trình học tập, học viên được xem xét nguyện vọng để bố trí công việc phù hợp, được cơ quan, đơn vị tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát huy năng lực và sở trường công tác; được ưu tiên trong việc tuyển dụng và được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
- Ứng viên tham gia Đề án được cơ sở đào tạo cấp học bổng do thành tích học tập tốt, Ban chỉ đạo-Điều hành Đề án sẽ không chi trả những khoản kinh phí phải đóng cho cơ sở đào tạo (kinh phí có được do chế độ học bổng mang lại) được Ban điều hành Đề án xem xét khen thưởng bằng 50% của tổng kinh phí được cấp học bổng.
2. Nghĩa vụ của ứng viên
- Chấp hành đúng nghĩa vụ của ứng viên tại mục IV khoản 2 và 3 của Đề án Đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Cà Mau ở nước ngoài giai đoạn 2017-2025 ban hành theo Quyết định 2303/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
- Thông báo cho Ban Chỉ đạo – Ban Điều hành Đề án (thông qua Sở Nội vụ):
+ Số tài khoản, địa chỉ cư trú, email, điện thoại và các thông tin của học viên và gia đình khi có thay đổi.
+ Kết quả học tập, dự kiến chương trình học tập và kinh phí của học kỳ tiếp theo trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc học kỳ (hoặc năm học).
+ Chấp thuận để cơ sở đào tạo thông báo cho Ban Chỉ đạo - Điều hành (qua Sở Nội vụ- Thường trực Ban chỉ đạo- Điều hành dự án) về kết quả học tập và thông tin có liên quan.
+ Thời gian kết thúc khóa học, nguyện vọng học chuyển tiếp hoặc học tập bằng kinh phí tự túc ở bậc học cao hơn (nếu có) trong thời gian 06 tháng trước khi kết thúc khóa học.
+ Không được tham gia các thỏa thuận hoặc giao dịch khác gây ảnh hưởng đến cam kết tham gia khóa đào tạo.
- Hoàn tất thủ tục, nộp hồ sơ, báo cáo kết quả học tập cho Sở Nội vụ sau 30 ngày kết thúc khóa học và chấp hành sự phân công công tác của cơ quan thẩm quyền tỉnh Cà Mau.
- Đến cơ quan, đơn vị nhận công tác trong vòng 15 ngày khi nhận quyết định phân công công tác. Trường hợp chậm trễ phải có lý do chính đáng và phải được sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
IV. QUY TRÌNH, THỜI GIAN NỘP HỒ SƠ
1. Quy trình
- Ứng viên vào trang web của Sở Nội vụ tại địa chỉ: sonoivu.camau.gov.vn để tải hồ sơ đăng ký dự tuyển (hồ sơ gồm 6 mẫu và bìa túi đựng hồ sơ ứng viên kích cỡ 25cm x 34cm). Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đủ các nội dung quy định theo thông báo tuyển ứng viên của đề án. Sở Nội vụ không hoàn trả hồ sơ dự tuyển trong bất kỳ trường hợp nào.
- Ứng viên hoàn thành hồ sơ và nộp trực tiếp (hoặc gửi qua Bưu điện) theo địa chỉ: Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau, số 91-93 Lý Thường Kiệt, Phường 5, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
- Ban Chỉ đạo – Điều hành Đề án xét duyệt, thông báo kết quả xét duyệt đến từng ứng viên. Đối với ứng viên đủ điều kiện, Sở Nội vụ có thông báo công nhận để ứng viên hoàn thành thủ tục xúc tiến hồ sơ gửi các cơ sở đào tạo nước ngoài. Khi cơ sở đào tạo nước ngoài tiếp nhận, ứng cử viên gửi hồ sơ của cơ sở nước ngoài tiếp nhận (kể cả thông báo học phí của ứng viên) về Sở Nội vụ Cà Mau để thông qua Ban Chỉ đạo – Điều hành Đề án trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cử ứng viên đi học ở nước ngoài.
2. Thời hạn nhận hồ sơ:
Thời gian nhận hồ sơ của ứng viên tham gia Đề án từ ngày thông báo đến hết ngày 25/12/2021. Sau thời gian trên, ứng viên hồ sơ nộp (nếu có) sẽ được chuyển tiếp sang năm 2022.
(Trong năm 2021, Ban chỉ đạo- Điều hành xét duyệt hồ sơ ứng viên theo từng quý hoặc đột xuất khi hồ sơ ứng viên có số lượng theo yêu cầu).
Sở Nội vụ đề nghị các cơ quan, đơn vị quan tâm, tạo điều kiện hoàn thành hồ sơ cho cá nhân tham gia dự tuyển ứng viên Đề án. Các nội dung chi tiết về đề án, các cơ quan, đơn vị, cá nhân xem tại trang web của Sở Nội vụ theo địa chỉ: sonoivu.camau.gov.vn hoặc liên hệ bà Lê Kiều Diễm qua số điện thoại 0947.183.706 để được giải đáp./.