Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Thứ Hai, 04/11/2019 08:48 GMT+7
Chiều ngày 01/11/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Cà Mau đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với chất lượng ngày càng cao và phát triển bền vững. Giá trị sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp tăng bình quân 4,35%/năm, đạt mục tiêu Đề án đề ra đến năm 2020. Trong đó, lĩnh vực thủy sản phát triển mạnh, năng suất, sản lượng tăng; diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh tăng gấp 1,7 lần; tôm nuôi quảng canh cải tiến tăng 2,7 lần và diện tích tôm sinh thái tăng 1,6 lần so năm 2013.
Đại biểu tham dự hội thảo
Hiện nay, đã kết nối 22 doanh nghiệp ký kết với 61 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 23 hợp tác xã, tổ hợp tác để cung ứng vật tư dầu vào và xây dựng vùng nguyên liệu tôm có chứng nhận quốc tế, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng được 06 chuỗi liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm lúa an toàn dành cho xuất khẩu với tổng diện tích gần 14.000ha. Riêng ngành hàng gỗ, đã thành lập 01 hợp tác xã sản xuất tổng hợp ở khu vực rừng tràm và hoàn thiện 01 mô hình kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm gỗ keo lai. Hiện đang tiếp tục duy trì và phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng để đạt 30.000 ha tôm rừng được chứng nhận vào năm 2020.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá những mặt thuận lợi, khó khăn qua 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau. Đồng thời, chia sẻ các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ. Theo đó, đại biểu đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp cho khâu sản xuất, chế biến, đầu tư nâng cao chất lượng giống, sản xuất giống sạch bệnh; tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết doanh nghiệp – hộ nuôi trồng thủy sản. Tập trung nâng cao năng lực canh tranh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ việc cấp giấy chứng nhận và xây dựng thương hiệu.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều, nhấn mạnh: “Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau đánh giá cao những ý kiến đóng góp, chia sẻkinh nghiệm của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các nhà khoa học đến từ các trường. Qua những kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ tại hội thảo, sẽ là tiền đề giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trong quá trình tham mưu thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau và triển khai các sản phẩm chủ lực những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao nhất”.