Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
Chiều ngày 23/12/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trên cả nước tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tại điểm cầu tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải tham dự hội nghị.
Năm 2019, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và đổi mới mô hình tăng trưởng; vượt qua thách thức, khai thông thị trường xuất nhập khẩu; môi trường đầu tư được cải thiện, sức cạnh tranh quốc gia của nông sản hàng hóa có nhiều tiến bộ. Hoàn thành và vượt 03/04 chỉ tiêu: Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức cao 10,4 tỷ USD, tăng 19,3%; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,2% (chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành).
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau
Nhìn nhận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng vẫn còn hạn chế, khó khăn thách thức mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải đối mặt như: Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở nên phổ biển, chủ đạo. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; tiến độ giải quyết “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản chậm. Sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng, tiếp tục diễn ra, trong khi nguồn lực còn hạn chế, giải ngân vốn đầu tư công chưa cao. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp. Hiện nay, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền khá lớn. Kết quả về phát triển sản xuất, chăm lo đời sống người dân, củng cố chính quyền ở cơ sở chưa đồng bộ với kết quả phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong bối cảnh đó, trong năm 2020, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp thiết thực, hiệu quả hơn, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện đồng bộ kế hoạch cơ cấu lại từng ngành, lĩnh vực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phấn đấu đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8 – 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9 – 3,05%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 42%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%; ít nhất 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 96%. Thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp, cả nước có 17.000 hợp tác xã nông nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Ngành nông nghiệp cần tiếp tục tập trung cơ cấu lại sản xuất, chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường khâu chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản, giữ chất lượng và chữ tín đối với sản phẩm nông nghiệp như: lúa gạo Sóc Trăng ST, trái cây, tôm sạch… chú trọng mở rộng phát triển thị trường, nhất là thị trường EU và xem đây những khâu đột phá trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Tập trung giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường công tác dự báo nghiên cứu thị trường toàn cầu. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp nông thôn. Sử dụng linh hoạt có hiệu quả diện tích đất trồng lúa, chuyển đổi trồng cây hàng năm cây lâu năm, hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản có hiệu quả. Triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch đối với việc phát triển rừng, cấm chặt phá rừng tự nhiên, quan tâm đẩy mạnh việc trồng rừng, phát triển sản phẩm dưới tán rừng. Thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nông thôn mới. Tăng cường kiểm tra kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng giá cả đầu vào cho nông nghiệp như phân bón, giống, thuốc trừ sâu… Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành, chú trọng công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý từ Trung ương đến địa phương, áp dụng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, trong đó, chú trọng các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, phòng chống thiên tai, quản lý đánh bắt xa bờ…
Bên cạnh việc tăng cường các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành cũng cần thực hiện quyết liệt đồng bộ hiệu quả khuyến nghị của EC đưa ra, sớm lấy lại “thẻ xanh” thay vì “thẻ vàng” và loại bỏ hoàn toàn “thẻ đỏ” trong xuất khâu tôm. Việc làm này không chỉ là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mà chính là nhờ vào sự phối hợp chủ động quyết liệt tích cực từ phía chính quyền địa phương, nhất là các địa phương như: Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định Quảng Nam, và một số tỉnh phía Bắc. Ngành nông nghiệp phải quyết tâm phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, đứng hàng đầu thế giới.